Con dấu của doanh nghiệp, tổ chức là một trong những thứ không thể thiếu của doanh nghiệp. Con dấu là thứ để khẳng định giá trị pháp lý trong các văn bản của doanh nghiệp, tổ chức. Một số trường hợp doanh nghiệp là thất lạc hoặc mất con dấu thì thủ tục cấp lại như thế nào? Các vấn đề lưu ý khi làm thủ tục cấp lại con dấu bị mất ra sao? Công ty tư vấn Blue Quảng Ninh xin chia sẻ các thủ tục xin cấp lại con dấu cho các doanh nghiệp, công ty như sau.
Nguồn Internet
Căn cứ pháp lý xử lý khi bị mất con dấu:
- Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu
- Nghị định 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật doanh nghiệp
- Công văn 9720/BKHĐT-ĐKKD ngày 02/11/2015 của bộ kế hoạch đầu tư
+ Đối với doanh nghiệp thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 làm thêm con dấu, thay đổi màu mực dấu thì thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu theo quy định về đăng ký doanh nghiệp.
+ Trường hợp doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 làm con dấu mới thì phải nộp lại con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.
+ Trường hợp doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 bị mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu thì doanh nghiệp được làm lại con dấu theo quy định tại Nghị định 96/2015/NĐ-CP; đồng thời thông báo việc mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.
– Để được cấp lại, doanh nghiệp phải có văn bản nêu rõ lý do và đề nghị cơ quan Công an cấp lại con dấu. Văn bản phải được Công an phường, xã nơi xảy ra mất dấu xác nhận.
– Nếu dấu của doanh nghiệp do Trung ương cấp phép thì làm thủ tục tại Cục Cảnh sát Quản lý hành chính và trật tự xã hội Bộ Công an.
– Nếu dấu do địa phương cấp phép trước ngày 01/07/2015 thì làm thủ tục tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an Tỉnh, Thành phố nơi doanh nghiệp có trụ sở chính; Sau ngày 01/07/2015 thì doanh nghiệp liên hệ với Cơ sở khắc dấu và tiến hành nộp hồ sơ cấp lại con dấu tại sở kế hoạch đầu tư thành phố.
Cấp lại con dấu bị mất với các cơ quan, tổ chức sử dụng con dấu do công an cấp
Bước 1: Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước bị mất con dấu, trong thời hạn 02 ngày kể từ khi phát hiện mất con dấu thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra mất con dấu. (khoản 7 điều 24 nghị định 99/2016/NĐ-CP)
Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp lại con dấu tại cơ quan công an quản lý con dấu gồm:
- Văn bản đề nghị đăng ký lại mẫu con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước sử dụng con dấu, trong đó nêu rõ lý do và có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp hoặc cơ quan có thẩm quyền.
- Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu được cấp trước đó.
Bước 3: Nộp phạt do làm mất con dấu theo quy định tại điểm d khoản 2 điều 12 nghị định 167/2013/NĐ-CP mức phạt đối với hành vi làm mất con dấu là 5.000.000 đồng.
Sau khi nộp phạt sẽ được giấy giới thiệu của cơ quan công an tới đơn vị khắc dấu và làm dấu mới. Sau 7 ngày đại diện công ty có mặt tại cơ quan công an để nhận dấu và đăng ký mẫu dấu mới.
Cấp lại con dấu bị mất với doanh nghiệp sử dụng con dấu theo luật doanh nghiệp:
Theo luật doanh nghiệp mới thì doanh nghiệp có thể chủ động về con dấu của mình nhưng vẫn phải đáp ứng quy định và phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên vẫn có thể tham khảo hướng dẫn của bộ kế hoạch đầu tư theo công văn 9720/BKHĐT-ĐKKD về việc thông báo mẫu dấu như sau:
Đối với doanh nghiệp sử dụng dấu do cơ quan công an cấp trước đây bị mất đăng ký mẫu dấu: Doanh nghiệp gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh để được đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP. Trường hợp này, Phòng Đăng ký kinh doanh không yêu cầu doanh nghiệp đóng mẫu con dấu cũ vào Thông báo.
Đối với doanh nghiệp đã sử dụng dấu theo luật mới: Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi mẫu con dấu, trước khi sử dụng mẫu con dấu mới, doanh nghiệp gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh để được đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp này, Phòng Đăng ký kinh doanh không yêu cầu doanh nghiệp đóng mẫu con dấu cũ vào Thông báo.
Công văn 9720/BKHĐT-ĐKKD ra đời khi chưa có thông tư hướng dẫn về luật doanh nghiệp nên sử dụng mẫu tại công văn 4211/BKHĐT-ĐKKD, hiện nay nếu muốn thông báo mẫu dấu mới do bị mất khách hàng dùng biểu mẫu trong thông tư 20/2015/TT-BKHĐT để áp dụng.
Trên đây là những thông tin về các thủ tục xin cấp lại con dấu cho các doanh nghiệp, công ty mà công ty tư vấn Blue Quảng Ninh tổng hợp được. Mọi vấn đề còn thắc mắc quý vị hãy liên hệ với đội ngũ nhân viên chúng tôi nhé.