T5, 06 / 2018 2:47 chiều | admin

Kinh doanh cá thể là một lựa chọn khá tối ưu nếu bạn chỉ có nhu cầu kinh doanh nhỏ lẻ và đơn giản, không muốn gặp phải nhiều vấn đề với các thủ tục của pháp luật. Sau đây Luật Blue sẽ hướng dẫn bạn thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể.

Hộ kinh doanh cá thể được quy định tại khoản 1 điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể:

– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm tên; địa điểm hoạt động; ngành nghề hoạt động; số vốn; thông tin và chữ ký của các cá nhân thành lập.

– Bản sao Giấy chứng thực cá nhân

– Giấy uỷ quyền cho người làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể (nếu cần)

Ngoài ra cần:

– Chứng chỉ hành nghề (nếu ngành nghề kinh doanh yêu cầu chứng chỉ);

– Văn bản xác định vốn pháp định (nếu ngành nghề yêu cầu vốn pháp định);

– Biên bản họp nhóm cá nhân (nếu hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập).

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, cá nhân hoặc nhóm cá nhân gửi giấy Đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản; nếu hồ sơ hợp lệ cơ quan đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh, thu lệ phí theo quy định của pháp luật.

Những vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất, hộ kinh doanh có thể được thành lập bởi hộ gia đình hoặc công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh trong công ty hợp danh (trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên còn lại) và chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh theo điều 67 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Thứ hai, hộ kinh doanh cá thể không có tư cách pháp nhân; chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm và sử dụng dưới mười lao động. Như vậy hạn chế hơn doanh nghiệp về địa điểm và số lượng lao động.

Thứ ba, hộ kinh doanh không có con dấu riêng, tuy nhiên nếu có nhu cầu hộ kinh doanh vẫn có thể tự khắc hoặc đặt khắc con dấu.

Thứ tư, về lệ phí thành lập: 100.000 đồng (một trăm nghìn đồng) theo quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp ban hành kèm theo thông tư 176/2012/TT-BTC.

Trên đây là tư vấn của Luật Blue về thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể. Nếu có bất cứ vấn đề gì thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng, kịp thời và được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

 

Bài viết cùng chuyên mục