1. Điều kiện khi thành lập phòng khám nha khoa
Hoạt động trong lĩnh vực y tế là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên thực tế, vì vậy để xin được giấy phép hoạt động phòng khám nha khoa các bạn cần đáp ứng đầy đủ tất cả các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành bao gồm:
- Điều kiện về tư cách chủ thể;
- Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị;
- Điều kiện về nhân sự (điều kiện quan trọng nhất).
Cụ thể như sau:
– Thứ nhất, điều kiện về tư cách chủ thể:
- Trước hết tùy thuộc vào quy mô kinh doanh của phòng khám nha khoa mà bạn phải thực hiện thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể hoặc thành lập công ty trong đó có ngành nghề kinh doanh liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh.
- Nếu quy mô vừa và nhỏ, các bạn chỉ nên thành lập hộ kinh doanh cá thể để được đơn giản hóa về mặt thủ tục cũng như giảm bớt những khoản thuế mà các bạn phải đóng (các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đâycủa chúng tôi để có được những thông tin chi tiết về thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể).
- Nếu với quy mô lớn hơn, các bạn nên thành lập doanh nghiệp để tạo điều kiện cho việc phát triển cũng như tìm kiếm đối tác sau này (đối với thủ tục thành lập doanh nghiệp các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi).
– Thứ hai, điều kiện về cơ sở vật chất:
- Phải có địa điểm cố định, để chứng minh về địa điểm cố định các bạn phải có bộ hồ sơ cụ thể như sau: Trường hợp là địa điểm thuộc quyền sử dụng của mình phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp để chứng minh, nếu trường hợp thuê hoặc mượn địa điểm thì phải có Hợp đồng thuê/ mượn địa điểm với chủ sử dụng đất hợp pháp và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ nếu trong quá trình hoạt động có thực hiện các thủ thuật liên quan đến bức xạ, điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật (các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi để hiểu rõ hơn về điều kiện phòng cháy chữa cháy đối với phòng khám nha khoa);
- Nếu phòng khám nha khoa thực hiện thủ thuật về cấy ghép răng (implant) thì phải có phòng hoặc khu vực riêng dành cho việc thực hiện thủ thuật. Phòng hoặc khu vực thực hiện thủ thuật phải có đủ diện tích để thực hiện kỹ thuật chuyên môn;
- Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ;
- Có thùng rác y tế đạt chuẩn theo quy định của pháp luật;
- Có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn theo quy định và được Sở Tài nguyên và Môi trường nơi đặt địa điểm phòng khám nha khoa chấp thuận.
hình minh họa- nguồn internet
– Thứ ba, điều kiện về trang thiết bị y tế:
- Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám nha khoa như: ghế răng,…;
- Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.
– Thứ tư, điều kiện về nhân sự: đây là điều kiện quan trọng nhất đối với phòng khám nha khoa.
- Phòng khám nha khoa phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt;
- Trường hợp Bằng tốt nghiệp là bằng bác sỹ đa khoa thì phải có Chứng chỉ định hướng bác sỹ chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt;
- Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng sau khi có bằng tốt nghiệp;
- Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở, có nghĩa là người đăng ký làm việc liên tục 8 giờ/ngày trong thời gian hoạt động mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã đăng ký hoặc người làm việc đầy đủ thời gian mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đăng ký hoạt động có thời gian ít hơn 8 giờ/ngày phù hợp với quy định của pháp luật về lao động.
- Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám nha khoa, các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản.
2. Thành phần hồ sơ cần chuẩn bị
Để thực hiện thủ tục cấp giấy phép hoạt động phòng khám nha khoa các bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm những giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động (theo mẫu);
- Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đối với phòng khám có vốn đầu tư nước ngoài) tùy thuộc vào quy mô của từng phòng khám nha khoa (Bản sao hợp lệ);
- Chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật (Bản sao hợp lệ);
- Danh sách đăng ký người hành nghề của phòng khám (theo mẫu);
- Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của phòng khám (theo mẫu);
- Tài liệu chứng minh phòng khám đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
- Dự kiến phạm vi hoạt động chuyên môn (theo mẫu);
- Nhưng trên thực tế hồ sơ mà phải nộp không phải chỉ bao gồm những tài liệu trên mà có phải nộp những giấy tờ như sau để đảm bảo sự kiểm tra gắt gao của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
- Hồ sơ chứng minh đủ điều kiện về môi trường gồm:
- + HĐ thu gom rác thải rắn;
- + Đề án bảo vệ môi trường có xác nhận của cơ quan bảo vệ môi trường có thẩm quyền tùy vào quy mô của cơ sở (thường là Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh).
- Đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật mà chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế cấp tỉnh của các tỉnh khác cấp thì cần nộp bổ sung thêm:
- + Bảng chấm công thực hành;
- + Hóa đơn đóng tiền thực hành;
- + Quyết định phân công người hướng dẫn thực hành, tùy từng trường hợp mà Sở Y tế sẽ yêu cầu bạn cung cấp thêm thông tin của người hướng dẫn thực hành như: tên, số điện thoại để chuyên viên liên hệ xác định thông tin;
- + Hợp đồng thực hành.
- Bởi vì Sở Y tế nơi cấp giấy phép hoạt động không phải là cơ quan cấp CCHN nên sẽ không có bộ hồ sơ lưu của bạn và trong trường hợp này họ cần phải xác minh thông tin.
- Nếu bạn không thể cung cấp được những giấy tờ nêu trên thì một đề xuất của chúng tôi dành cho bạn đó là bạn sẽ soạn một Đơn xin xác nhận gửi về Bệnh viện nơi trước đây đã từng thực hành để được Bệnh viện xác nhận vào trong đơn.
- Ngoài ra bạn phải có thêm các bản cam kết như:
- + Cam kết đảm bảo đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy;
- + Cam kết về đảm bảo vệ sinh môi trường;
- + Cam kết về việc chưa hành nghề tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào để đủ điều kiện là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật;
- + Cam kết đối với trường hợp không thể cung cấp lại được những giấy tờ chứng minh về quá trình thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề.
- Hồ sơ chứng minh địa điểm kinh doanh:
- + Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- + Hợp đồng thuê/ mượn địa điểm nếu trong trường hợp thuê/ mượn của chủ sử dụng đất hợp pháp.
3. Trình tự thủ tục thực hiện và cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Sau khi chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ nêu trên các bạn thực hiện theo trình tự thủ tục như sau:
- Nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của Sở Y tế nơi đặt địa điểm phòng khám (đối với những tỉnh, thành phố có bộ phận một cửa) hoặc tại Trung tâm hành chính công của tỉnh (đối với những tỉnh, thành phố chưa có bộ phận một cửa). Đối với thủ tục này các bạn có thể lựa chọn việc nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện nhưng thông thường bạn nên đến nộp trực tiếp để được chuyên viên tiếp nhận hồ sơ kiểm tra và tư vấn;
- Sau khi kiểm tra tính hợp pháp và đầy đủ của bộ hồ sơ, chuyên viên một cửa sẽ gửi lại cho bạn Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả;
- Tại ngày nộp hồ sơ các bạn phải nộp luôn lệ phí hành chính nhà nước, trong trường hợp này lệ phí hành chính nhà nước là 4.300.000 đồng;
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ chuyên viên sẽ ra Thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ và liên hệ với bạn, thông thường trong khoảng thời gian từ 1-2 tháng và tối đa là 3 tháng kể từ ngày ra Thông báo bạn có nghĩa vụ bổ sung hồ sơ. Nếu quá thời hạn trên mà các bạn không bổ sung hồ sơ thì hồ sơ của bạn sẽ bị trả ra đồng nghĩa với việc bạn sẽ mất lệ phí hành chính nhà nước đã nộp và sau này nếu tiếp tục có nhu cầu bạn phải nộp lại hồ sơ và nộp lần 2 lệ phí hành chính nhà nước.
- Nếu trong thời hạn quy định bạn kịp thời bổ sung hồ sơ chuyên viên một cửa sẽ gửi lại bạn Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả mới;
- Sở Y tế sẽ tổ chức một đoàn thẩm định xuống thẩm định cơ sở vật chất thực tế của phòng khám, tại buổi thẩm định Sở Y tế sẽ gửi bạn Biên bản thẩm định hồ sơ và Biên bản thẩm định cơ sở vật chất;
- Trong khoảng thời gian 45 ngày làm việc kể từ ngày nộp đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ, Sở Y tế sẽ ra kết quả Giấy phép hoạt động phòng khám nha khoa.