Khái niệm cổ đông sáng lập
Khoản 1, điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định:
Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.
Khái niệm về cổ đông sáng lập theo Luật doanh nghiệp năm 2014 có sự thay đổi so với khái niệm về cổ đông sáng lập được quy định trong Luật doanh nghiệp 2005 trước đó. Trước đây, cổ đông sáng lập được hiểu là “cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần”. Như vậy khái niệm về cổ đông sáng lập theo luật doanh nghiệp 2014, đơn giản, cụ thể hơn so với khái niệm về cổ đông sáng lập trong luật.
Quy định về chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập
Nhìn chung quy định về điều kiện chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập theo Luật doanh nghiệp năm 2014 và Luật doanh nghiệp 2015 tương tự nhau:
Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Luật doanh nghiệp năm 2005 trước đây quy định người nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập trong 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Đến Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định này đã được sửa đổi. Mặc dù nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng những người nhận chuyển nhượng này cũng không được coi là cổ đông sáng lập trong công ty. Trước đây cổ đông sáng lập khi chuyển nhượng phải thông báo với phòng đăng ký kinh doanh tuy nhiên từ 10/10/2018 theo quy định mới của nghị định 108/2018/NĐ-CP thì với trường hợp này doanh nghiệp không cần nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh chỉ cần lưu giữ hồ sơ nội bộ như sau:
- Biên bản họp, quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển nhượng cổ phần (chỉ áp dụng trong trường hợp cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần trong 3 năm đầu từ khi thành lập công ty theo điều kiện chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập)
- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần
- Biên bản thanh lý/xác nhận hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần
- Sổ cổ đông ghi nhận thông tin cổ đông mới
Lưu ý: Khi cổ đông sáng lập đã chuyển nhượng cổ phần, thông tin về cổ đông sáng lập đó vẫn được lưu trên hệ thống thông tin của công ty với toàn bộ thông tin ban đầu (bao gồm cả số vốn đã góp). Cổ đông mới nhận chuyển nhượng không phải là cổ đông sáng lập của công ty do vậy thông tin về người đó sẽ không được lưu trữ trên hệ thống thông tin quốc gia về doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ lập danh sách cổ đông, sổ đăng ký cổ đông ghi nhận thông tin các cổ đông trong công ty.