Khái niệm về hộ kinh doanh cá thể
Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về thủ tục đăng ký kinh doanh của Luật doanh nghiệp 2014 quy định như sau:
“ Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng kýkinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.”
Đặc điểm của hộ kinh doanh cá thể
- Không có tư cách pháp nhân và con dấu riêng. Tuy nhiên nếu chủ hộ vẫn có thể tự khắc con dấu hình chữ nhật, có tên hộ kinh doanh và địa chỉ hộ kinh doanh, mã số thuế (nếu cần).
- Đăng ký hộ kinh doanh cá thể có thể là cá nhân hoặc hộ gia đình
- Hộ cá thể chỉ được phép kinh doanh tại một địa điểm
- Được phép sử dụng không quá 10 lao động
Luật về hộ kinh doanh cá thể
Tất cả các vấn đề liên quan đến kinh doanh cá thể hộ gia đình được quy định trong pháp luật Việt Nam, cụ thể tại:
- Luật doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp,
- Thông tư 20/2015/TT-BKH ngày 1/12/2015 của Bộ Kế hoạch Đầu tư hướng dẫn một số nội dung về trình tư, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Có nên thành lập hộ kinh doanh cá thể?
Hộ kinh doanh cá thể phù hợp với các hình thức kinh doanh có quy mô nhỏ, việc kinh doanh buôn bán được thực hiện tại một địa điểm cố định bởi hộ kinh doanh cá thể bị hạn chế về số lượng lao động và địa điểm đăng ký kinh doanh.
Ưu điểm và quyền lợi của hộ kinh doanh cá thể
- Tránh được các thủ tục rườm rà
- Không phải khai thuế hằng tháng
- Chế độ chứng từ sổ sách kế toán đơn giản
- Quy mô gọn nhẹ
- Phù hợp với cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ
- Được áp dụng chế độ thuế khoán
Nhược điểm của hộ kinh doanh cá thể
- Không được bảo vệ thương hiệu,
- Không được sử dụng hóa đơn khấu trừ nên không được hoàn thuế, không xuất được hóa đơn VAT.
- Chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm mà không được mở các đơn vị phụ thuộc
- Sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu .
- Không có tư cách pháp nhân
- Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ hộ kinh doanh cá thể đối với hoạt động kinh doanh
- Tính chất hoạt động kinh doanh manh mún
- Ít tạo được lòng tin cho khách hàng trong những lần đầu hợp tác
Có thể chuyển đổ từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp không?
Theo quy định pháp luật hiện hành, Hộ kinh doanh có thể chuyển sang doanh nghiệp theo Khoản 6 Điều 1 Nghị đinh 108/2018/NĐ-CP.
Hồ Sơ đăng ký và quy trình quản lý hộ kinh doanh cá thể
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
– Bản sao CMND của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình
– Biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh (trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập); chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình (trường hợp kinh doanh ngành nghề cần chứng chỉ hành nghệ); Bản sao hợp lệ văn bản xác định vốn pháp định (trường hợp ngành nghề kinh doanh cần vốn pháp định).
– Giấy đăng ký thuế mẫu 03 của chi cục thuế ( Quyết định của UB về chế độ liên thông một cửa và trách nhiệm giải quyết hồ sơ hành chính đăng ký hộ kinh doanh và cấp giấy Chứng nhận đăng ký thuê trên địa bàn quận).
Quy trình quản lý hộ kinh doanh cá thể
UBND quận quản lý về đăng ký, thay đổi nội dung kinh doanh…
Chi cục thuế quản lý về thuế: Quy định cụ thể tại quyết định 1688/ QĐ- TCT ngày 16/4/2014 về việc ban hành quy trình quản lý thuế với hộ kinh doanh của Tổng cục trưởng Tổng cục thuế.