T4, 01 / 2019 8:53 sáng | khueblue

Địa điểm kinh doanh  là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Nếu như trước ngày 01/07/2015 (trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực địa điểm kinh doanh được cấp trong 01 nội dung của đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp thì nay địa điểm kinh doanh được cấp bởi một Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh riêng song song với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo nghị định 108/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 10 năm 2018, quy định: “Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh”. Như vậy, hiện nay không bắt buộc lập địa điểm kinh doanh trong cùng tỉnh/thành phố với trụ sở chính, tạo điều kiện doanh nghiệp có thể tự do thực hiện lập địa điểm kinh doanh theo nhu cầu doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp có thể thành lập địa điểm kinh doanh ở nhiều địa bàn khác nhau so với trụ sở chính của công ty:

  • Thành lập địa điểm kinh doanh cùng phường với trụ sở công ty;
  • Thành lập địa điểm kinh doanh cùng quận với trụ sở công ty;
  • Thành lập địa điểm kinh doanh cùng tỉnh với trụ sở công ty;
  • Thành lập địa điểm kinh doanh cùng khác tỉnh với trụ sở công ty.

Ưu điểm của địa điểm kinh doanh so với văn phòng đại diện là có thực hiện chức năng kinh doanh. Khi doanh nghiệp không có nhu cầu kinh doanh lại địa điểm kinh doanh thì làm thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh, thủ tục gọn nhẹ, nhanh chóng thường chỉ từ 05-07 ngày làm việc thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh đặt trụ sở, không phải làm thủ tục chốt thuế, trả con dấu chấm dứt hoạt động như chi nhánh, Văn phòng đại diện.

Tuy nhiên, địa điểm kinh doanh không được quyền đăng ký con dấu riêng và phải kê khai thuế phụ thuộc công ty mẹ.

Địa điểm kinh doanh phù hợp đối với các doanh nghiệp muốn thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều địa điểm khác nhau, vẫn thực hiện việc kê khai thuế phụ thuộc công ty mẹ. Địa điểm kinh doanh chỉ phải đóng thuế môn bài cho hoạt động kinh doanh của mình (mức thuế môn bài áp dụng cho 01 địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp là 1.000.000 đồng (một triệu đồng) cho 01 năm tài chính hoạt động.

Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 156. Khai thuế môn bài quy định: “1. Người nộp thuế môn bài nộp Tờ khai thuế môn bài cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc ở khác địa phương cấp tỉnh nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc thực hiện nộp Tờ khai thuế môn bài của đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc.”

Như vậy, địa điểm kinh doanh nộp thuế môn bài tại Chi cục thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc – là nơi địa điểm kinh doanh hoạt động.

Hình minh họa

Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh

Thông báo lập địa điểm kinh doanh

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung thông báo gồm:

  • Mã số doanh nghiệp;
  • Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc tên và địa chỉ chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh đặt trụ sở);
  • Tên địa điểm kinh doanh:
  • Địa chỉ của địa điểm kinh doanh: Tương tự như trụ sở công ty, địa chỉ của chi nhánh, văn phòng đại diện thì địa chỉ đăng ký địa điểm kinh doanh cũng không được là nhà tập thể, nhà chung cư. Nếu là nhà riêng mà có số phòng thì cũng cần cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng). Ngoài ra, trường hợp công ty thuê địa điểm đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh tốt nhất cần yêu cầu bên cho thuê cung cấp các văn bản chứng minh địa điểm không thuộc nhà chung cư, nhà tập thể.
  • Lĩnh vực hoạt động của địa điểm kinh doanh: Chỉ được kinh doanh theo phạm vi hoạt động của công ty mẹ;
  • Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc họ, tên, chữ ký của người đứng đầu chi nhánh đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh.

Văn bản ủy quyền cho người đi thực hiện hồ sơ;

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và thụ lý giải quyết

Doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh/thành phố nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Thời hạn hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận thành lập địa điểm kinh doanh

03 – 05 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh.

Bài viết cùng chuyên mục